Không phải lúc nào cũng có thể thấy được sức mạnh của văn mạch. Sau đây là một số quy tắc hướng dẫn để giúp ta.
1. Hãy suy nghĩ tìm ra tất cả những nghĩa mà câu (hay chữ) đó có thể có
Bạn có thể nghĩ ra một hay nhiều nghĩa. Hãy viết ra (Điều nầy không có nghĩa là bạn phải thêu dệt tưởng tượng). Bạn có thấy nan đề nào trong việc thông giải không? Hãy viết ra. Làm vậy bạn sẽ thấy luôn luôn có ích lợi.
2. Hãy đọc câu đó trong văn mạch
Bạn cần phải làm quen với nội dung của khúc sách có chứa câu đó, bởi vậy, phải nhớ bao gồm đủ văn mạch. Cần đủ để bao quát hết diễn tiến của tư tưởng hay biến cố. Nếu chỉ đọc vài câu bạn có thể không thấy hết. Lần đầu đọc lướt qua, không để thì giờ giải quyết thắc mắc. Lần sau đọc lại kỹ càng, ghi những liên hệ giữa các chữ và ý.
3. Nghiên cứu câu đó cẩn thận hơn
Để ý những liên từ (thường nằm ở đầu câu), xem những chữ đó nối kết các câu ra sao. Hãy xem phần bàn luận về liên từ ở chương 6.
4. Ghi những chữ chính được dùng nhiều lần
Không cần ghi những chữ không quan trọng như và, thì. Đặc biệt chú ý tới những chữ trong câu đó có lặp lại trong văn mạch. Rất có thể nó cho biết chủ đề và tương quan giữa các phần với nhau. Để ý những chữ đồng nghĩa, ví dụ những chữ dự, ăn, uống, trong ICo1Cr 10:14-31.
5. Thử viết lại cả khúc sách bằng lời mình
Làm vậy để thấy bạn có hiểu khúc sách không và có thể diễn đạt ý rõ ràng không.
6. Thử trả lời câu hỏi
Câu nầy có nghĩa gì trong văn mạch của nó? Nếu bạn không thể trả lời, có thể bạn cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, có những câu khó mà cả những học giả cũng không đồng ý với nhau, vậy đừng nản lòng nếu bạn không thể hiểu được rõ ràng. Hãy bằng lòng để dành cho Chúa một vài điều, về sau Ngài có thể soi sáng chúng ta.
MỘT VÍ DỤ
Chúng ta hãy thử áp dụng các qui tắc trên cho 10:23. “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. ” Câu nầy có nghĩa gì? Chữ mọi sự có nghĩa là bất cứ điều gì chăng? Như vậy thì tội lỗi như giết người, gian dâm, ích kỉ, thờ hình tượng-đều có phép làm chăng? chắc không thể có nghĩa như vậy. Nhưng làm sao chúng ta biết được?
Bằng cách đọc cả chương. Câu 6 bảo chúng ta “chớ buông mình theo tình dục xấu ”; câu 7 và 14 truyền lệnh “đừng thờ hình tượng ”; câu 8 nói “chớ dâm dục. ” Như vậy là có một số điều không được phép làm. Văn mạch cho ta thấy có một số giới hạn. Khi viết câu 23, Phao-lô không thể tự mâu thuẫn với mình và với các phần khác trong Kinh Thánh. Văn mạch cho ta thấy giải thích theo ý riêng của câu đó là sai. Văn mạch có thể giúp ta biết được nghĩa đúng của nó không?
Đọc chương 10 một lần nữa và quan sát. Chủ đề là gì? Có chữ nào lập nhiều lần không? Có lẽ bạn để ý ngay rằng chữ ăn, uống đều liên hệ đến chữ dự phần. Cũng hãy để ý đến cơ hội và hoàn cảnh xảy ra những chữ đó. Rồi bạn lại để ý xung quanh câu 23 đều nói về ăn uống. Ăn và uống gì? Nếu ta so sánh câu 19 và 28 ta sẽ thấy câu trả lời rõ ràng-thức ăn cúng cho thần tượng.
Trong câu 23 Phao-lô đưa ra một đối chiếu: Mọi sự đều có phép làm nhưng không phải đều ích lợi; không phải tất cả đều xây dựng. Trong những câu sau ông có nói đến điều gì được phép làm mà không ích lợi không? Rõ ràng là có. Để ý đặc biệt câu 32, 33, ông rất quan tâm đến vinh hiển của Thượng Đế và giúp ích kẻ khác. Như vậy có những hành động được phép làm, như ăn của cúng thần tượng, nhưng cần phải tránh nếu nó khiến kẻ khác vấp phạm và không làm vinh hiển danh Chúa. Đó là ý nghĩa của câu 23.