Tác giả:
Ông Phao-lô
Thời kỳ hình thành sách:
Năm 60 SC, khi các Hội Thánh đương thời bắt đầu có dấu hiệu chia rẽ.

Mục đích: Nhằm đưa ra kế hoạch gây dựng một Hội Thánh mạnh mẽ và trưởng thành.
Đối tượng: Sách này dành cho bất cứ ai muốn thấy Hội Thánh phát triển mạnh mẽ và trưởng thành.
Tản mạn
Ở Hoa Kỳ, tại bang Pennsylvania có một cộng đồng Cơ Đốc nhân có tên là Amish. Họ sống rất đơn giản, không có xe hơi tân tiến, thậm chí có nơi chẳng có điện gì cả. Nhiều người trong số họ làm nghề nông và tự trồng lấy cây lương thực. Hễ một trong những nông dân Amish muốn dựng một nhà kho mới, ông ta thường bắt tay làm việc trong một cách thức độc đáo và lý thú. Tất cả dân chúng ở vùng phụ cận sẽ kéo nhau đến giúp ông dựng nhà kho. Một số ông lo cưa cây, đóng đinh, một số ông khác lo sơn phết. Các bà cũng phụ giúp bằng cách nấu ăn cho các ông. Nhờ hợp lực làm việc với nhau, họ hoàn tất toàn bộ nhà kho nội trong một ngày. Đây là hình ảnh minh hoạ về phương thức mà tất cả các thành viên trong Hội Thánh nên đồng công cộng tác với nhau để gây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Mỗi người làm công tác tùy theo khả năng của mình và tất cả đều nỗ lực hướng về một mục tiêu trong sự hiệp nhất và hoá hợp. Cơ Đốc nhân nào muốn thấy Hội Thánh mình được gây dựng mạnh mẽ và thống nhất đều nên đọc thư Ê-phê-sô. Thâm nhập Thư Ê-phê-sô viết về việc gây dựng Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh không phải là một toà nhà như nhiều người nghĩ. Hội Thánh là một tập hợp các tín hữu. Chính vì thế mà Kinh Thánh cũng gọi Hội Thánh là “Thân thể của Chúa Cứu Thế”. Do đó, khi nói đến việc gây dựng Hội Thánh thì không có ý nói đến một công trình liên quan tới gạch, bê tông và kính, nhưng nói đến việc làm cho dân của Chúa được mạnh mẽ. Việc bồi dưỡng thân thể, phát triển cơ bắp và tăng cường thể lực thể nào thì việc gây dựng Thân Thể của Chúa Cứu Thế cũng đưa đến sự trưởng thành và mạnh mẽ thể ấy. Sách này gồm hai phần bằng nhau. Nửa phần trước, bao gồm ba chương đầu, tập trung vào Giáo Lý về Hội Thánh. Nửa phần sau, gồm ba chương cuối, nhấn mạnh vào Trách Nhiệm của Hội Thánh. Trong khi phần thứ nhất chép về các phước lành của Đức Chúa Trời cho tín hữu, phần thứ hai chép về hành vi xứng hợp với tín hữu. Nửa phần trước nói về Phước Hạnh của Hội Thánh và nửa phần sau nói về Trách Nhiệm của Hội Thánh. Chủ đề của sách Ê-phê-sô không phải chỉ là Hội Thánh mà là Hội Thánh Độc Nhất . Ông Phao-lô dùng cụm từ chính “một thân thể” bốn lần để mô tả Hội Thánh (2:16, 3:6, 4:4, 25) trong sách này.
I. Phước hạnh của Hội Thánh Độc Nhất (1-3) Trong nửa phần trước, ông Phao-lô mô tả sáu phước hạnh mà Hội Thánh Độc Nhất nhận được từ Đức Chúa Trời. Nội trong phần này ông Phao-lô đã nhắc đến Sự giàu có của Đức Chúa Trời năm lần (Eph 1:7-8, 2:7, 3:8, 16). Phần này chia làm sáu phân đoạn tương ứng với sáu phước hạnh trong Chúa Cứu Thế. Đó là:
Eph 1:3-14: Mục đích của Hội Thánh Độc Nhất – Được chọn để làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
Eph 1:15-23: Cầu nguyện cho Hội Thánh Độc Nhất – Để có hy vọng và năng lực.
Eph 2:1-10: Quá khứ của Hội Thánh Độc Nhất – Được cứu nhờ Ân sủng.
Eph 2:11-22: Sự hoá thuận trong Hội Thánh Độc Nhất – Sự hợp nhất trong một người.
Eph 3:1-13: Người giảng đạo cho Hội Thánh Độc Nhất – Ân sủng để rao giảng.
Eph 3:14-21: Năng lực cho Hội Thánh Độc Nhất – Tình yêu của Chúa Cứu Thế.
Ông Phao-lô mở đầu phần này bằng cách cho độc giả của ông biết về mục đích của Đức Chúa Trời đối với Hội Thánh Độc Nhất của Ngài. ông giải thích rằng:
• Đức Chúa Trời đã lựa chọn hoặc tiền định chúng ta (Eph 1:4, 5, 11).
• Theo mục đích, lòng nhân từ và ý muốn của Ngài (Eph 1:5, 9, 11, 3:11).
• Để ca ngợi, tôn vinh Ngài (Eph 1:6, 12, 14). Chúng ta cần chú ý ông Phao-lô ba lần lặp lại mỗi một điều trong ba điều này nhằm ghi khắc những điều đó trong lòng chúng ta: Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta để làm vinh hiển cho chính Ngài. Ngài làm thành việc đó bằng cách đặt vạn vật thọ tạo trong cõi vũ trụ và trên địa cầu này ở dưới quyền lãnh đạo của Chúa Giê-xu, Con Ngài (Eph 1:10, 22). Khi toàn bộ tập thể Hội Thánh đầu phục Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Đầu Hội Thánh, thì mục đích của Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh Ngài được thành tựu. Phân đoạn thứ nhất này cũng nêu ra một trường hợp bày tỏ Ba Ngôi Hiệp Một: Cơ Đốc nhân được lựa chọn bởi Đức Chúa Cha (Eph 1:4, 5), được cứu chuộc bởi Đức Chúa Con (Eph 1:7), và được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh (Eph 1:13-14). Do đó, phước hạnh thứ nhất của chúng ta là được Đức Chúa Trời lựa chọn. Phân đoạn thứ hai (Eph 1:15-23) là Lời Cầu Nguyện của ông Phao-lô cho Hội Thánh. Trong lời cầu nguyện này, ông cầu xin hai điều: thứ nhất, ông xin Đức Chúa Trời ban cho anh em tín hữu sự khôn ngoan để biết rõ hơn về Chúa Cứu Thế Giê-xu (Eph 1:17); thứ hai, ông cầu xin Chúa cho họ biết niềm Hy Vọng về sự kêu gọi của Ngài (Eph 1:18) và Năng Lực vô hạn của Ngài dành cho chúng ta (Eph 1:19). Những điều này ( Hy Vọng và Năng Lực) là phước hạnh thứ hai mà chúng ta nhận được từ Chúa Cứu Thế. Trong phân đoạn thứ ba (Eph 2:1-10), ông Phao-lô mô tả quá khứ của tín hữu trong Hội Thánh Độc Nhất. Chúng ta đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình. Nhưng Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta và cho chúng ta cùng ngồi với Chúa Cứu Thế Giê-xu trong các nơi trên trời (Eph 2:6). Cần chú ý là chúng ta đã được đồng ngồi với Chúa Cứu Thế. Bởi việc này, Đức Chúa Trời bày tỏ ân sủng dư dật của Ngài cho chúng ta (Eph 1:7 so sánh với Eph 2:7). Tác giả nhắc đến Ân sủng ba lần trong phân đoạn này (Eph 2:5, 7, 8). Đó là ân sủng giải cứu chúng ta. Chúng ta được cứu không phải bởi việc lành của mình nhưng là bởi việc lành của Đức Chúa Trời (Eph 2:9-11). Ân sủng là phước hạnh thứ ba của chúng ta trong Chúa Cứu Thế. Phân đoạn thứ tư bàn sâu hơn về sự cứu rỗi của từng cá nhân (Eph 2:11-22). Trước kia Cơ Đốc nhân gốc ngoại tộc bị ngăn cách với dân Do Thái. Giờ đây họ được hợp nhất với nhau trở nên một thân trong Chúa Cứu Thế. Bằng cách này Chúa Cứu Thế đã triệt hạ bức tường ngăn cách dân Do Thái với dân ngoại tộc, và đem lại Hoà Bình cho Thân thể độc nhất. Hoà Bình là phước hạnh thứ tư trong Chúa Cứu Thế. Theo phân đoạn thứ năm (Eph 3:1-13), ông Phao-lô là người rao truyền Phúc Âm cho Hội Thánh Độc Nhất. Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông bày tỏ ‘huyền nhiệm’ của Ngài cho dân ngoại. ‘Huyền nhiệm’ này là Dân Ngoại sẽ được hợp nhất với dân Do Thái, tạo thành một thân thể. Ân sủng mà Đức Chúa Trời ban cho ông Phao-lô để bày tỏ ‘huyền nhiệm’ này (Eph 3:2, 7). Ân sủng đó là phước lành thứ năm mà Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh (Phước lành thứ ba và thứ năm tương tự nhau). Cuối cùng, trong phân đoạn thứ sáu và cũng là phân đoạn cuối (Eph 3:14-21), ông Phao-lô cầu xin Chúa cho họ có khả năng hiểu thấu tình yêu thương sâu rộng bao la của Chúa Cứu Thế (Eph 3:18). Tình yêu thương này là phước lành thứ sáu mà Chúa Cứu Thế ban cho Hội Thánh của Ngài.
II. Trách nhiệm của Hội Thánh (4-6)
Nửa phần sau của sách Ê-phê-sô bắt đầu với mệnh lệnh của Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta phải sống xứng đáng với sự kêu gọi của Ngài (Eph 4:1). Nói cách khác, nửa phần sau nói về trách nhiệm của Hội Thánh Độc Nhất của Chúa Cứu Thế. Ông Phao-lô liệt kê năm trách nhiệm như sau: Eph 4:2-4:6 : Duy trì sự hiệp một trong Hội Thánh Độc Nhất với sự hoá bình từ Cứu Chúa Độc Nhất. Eph 4:7-4:16 : Phục vụ Hội Thánh với ân sủng mà chúng ta đã nhận lãnh từ Cứu Chúa Độc Nhất. Eph 4:17-5:20 : Nhờ ánh sáng của Cứu Chúa Độc Nhất để sống đời sống yêu thương trong Hội Thánh. Eph 5:21-6:9 : Lấy lòng kính sợ Chúa mà tùng phục nhau trong Hội Thánh Độc Nhất. Eph 6:10-6:24 : Nhờ năng lực của Cứu Chúa Độc Nhất để đứng vững trong đức tin. Điều quan trọng là chúng ta biết cách dùng sáu phước lành đã đề cập trong phần trước để thực hiện năm nhiệm vụ này. Nhiều Cơ Đốc nhân lo sống đúng theo yêu cầu trong phần thứ hai của sách mà trước tiên không lo tích luỹ các phước lành trong phần một của sách. Vì thế chẳng lạ lùng gì khi nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay chẳng có phương cách nào để thi hành nhiệm vụ gây dựng Hội Thánh mà Đức Chúa Trời đã uỷ thác cho chúng ta. Trong nửa phần trước, Cơ Đốc nhân chúng ta là việc Đức Chúa Trời làm ra và Ngài làm việc trong chúng ta (Eph 1:11, 19, 2:10, 3:7, 20). Trong nửa phần sau, chúng ta phải làm công việc của Đức Chúa Trời và Ngài làm việc qua chúng ta (Eph 4:12, 16). Điều cực kỳ quan trọng là nhận biết phần một và phần hai có liên quan như thế nào: nếu Đức Chúa Trời không làm việc trong chúng ta, thì chúng ta không thể (nào) làm được công việc Ngài. Đây là một vài ví dụ khác: trước hết chúng ta phải nhận biết tình yêu thương của Chúa Cứu Thế (Eph 3:17-19) rồi chúng ta mới có thể yêu thương giống như Chúa Cứu Thế (Eph 4:2, 15, 16, 5:2, 25, 33, 6:23). Vì Thánh Linh đã chứng thực bạn là con cái Đức Chúa Trời (Eph 1:13) nên bạn có thể thôi không làm Ngài buồn nữa (Eph 4:30). Vì Thánh Linh ngự trong bạn (Eph 2:22), nên bạn có thể đầy dẫy Thánh Linh (Eph 5:18). Trong phần thứ nhất, tác giả nêu ra một trường hợp chứng minh về Ba Ngôi Hiệp Một (Eph 1:3-14). Trong phần thứ hai, ông khuyên chúng ta giữ sự Hiệp Một Trong Hội Thánh (Eph 4:3). Cần nhớ là luôn luôn nhờ cậy các Phước lành của Chúa Cứu Thế để làm trọn trách nhiệm của Hội Thánh.