Hôm đó, đúng vào một buổi chiều Chúa nhật giữa mùa thu, tôi hơi buồn buồn khi nghĩ rằng đây là lần cuối cùng mình đến nhà thờ, vì đã đến ngày tôi có thể bỏ nhà ra đi, làm một người giúp việc. Tôi hy vọng gặp được người bạn tốt của tôi là cô giáo Trường Chúa nhật, nhưng hôm đó, cô không đi dự nhóm.

Ngoài cô ra, ở nhà thờ chẳng có ai biết sự ra đi của tôi. Sau giờ Trường Chúa nhật tôi về nhà, Ba tôi và Mũi Tên Đen đi vắng. Canh chừng mấy đứa em, tôi bỏ vài món đồ vào một túi xách nhỏ. Tôi không có quần áo nào khác ngoài bộ quần áo đang mặc trên người. Hành lý của tôi chỉ gồm một hộp nữ trang, trong đó có sợi dây chuyền giả và một quyển Thánh ca. Tụi nhỏ trong xóm ra tiễn tôi đi. Mấy đứa em tôi trông chúng buồn lắm. Tôi nghẹn ngào “Đừng khóc mấy em! Chị sẽ về thăm mấy em mà. Đường từ Cao-lê (Cowley) về nhà không xa lắm đâu!”.
Chúng nó vẫy tay tiễn tôi đi, đứng nhìn theo cho đến khi tôi khuất bóng. Tôi buồn ghê gớm. Nhưng đây là một dịp thuận lợi không nên đánh mấy. Tôi cảm thấy lo sợ: nơi mình sắp đến sẽ như thế nào nhỉ? Có giống như lúc mình đến Ham-mơ-xmít (Hammersmith) không? Những ưu tư đầy ắp tâm trí tôi khiến tôi không còn suy nghĩ gì được nữa. Lại một lần nữa, tôi bước từng bước vào đời mà không có được một lời khuyến khích, hướng dẫn của một người nào cả. Trên đường đến Cao-lê (Cowley), tôi phải đi ngang qua ngôi trường cũ, nơi tôi đã từng vào ra mỗi ngày, nhưng giờ đây chỉ còn đọng lại trong tôi những hình ảnh sợ sệt lo lắng… Rồi chẳng bao lâu Cao-lê (Cowley) xuất hiện. Dưới mắt tôi, Cao-lê (Cowley) thật đẹp. Con đường không to lớn nhưng có cây lá hai bên, nhà cửa không nhiều nhưng rất sáng sủa. Coi lại địa chỉ, tôi đi tìm số nhà. Cuối cùng, tôi dừng lại trước một ngôi nhà to lớn, cái cổng sao mà to và đẹp thế! Nó giống như cổng thiên đàng, có lẽ chỉ khác là cổng này bằng sắt thay vì cổng thiên đàng bằng vàng thôi. Tôi do dự trước khi nhận chuông. Lát sau, một thiếu phụ đi ra, bà nhìn tôi rồi hỏi
_“Em cần tôi giúp gì không?”.
_“Dạ thưa, con đến đây để làm người giúp việc cho bà”.
Thiếu phụ vội vàng mở cổng. Với dáng điệu rất lịch sự, bà nói “Mời em vào, tôi đang trông đợi em lắm đây.”. Bà dẫn tôi vào một phòng khá lớn, lên cầu thang. Tôi mở to mắt nhìn mà không thốt lên được một lời.
_“Chắc em muốn thấy phòng của em lắm phải không?”, thiếu phụ quay lại hỏi tôi, “Xin em theo tôi! Đó, phòng của em ở trên đó, phía tay trái. Tôi tin rằng em sẽ thích nó”. Thích nó ư? Phải nói rằng tôi yêu nó mới đúng, vì tôi chưa bao giờ được nhìn thấy một căn phòng như thế. Tôi nghĩ có lẽ nó giống thiên đàng. Căn phòng có lót thảm rất vừa vặn. Một cái giường với khăn phủ màu hồng, tủ áo có gương soi, một tủ nhỏ chia từng ngăn, một cái bàn nhỏ kê cạnh giường, ở góc kia là một bồn rửa mặt. Tôi nhìn hết vật nọ đến vật kia. thiếu phụ lại nói: “Này, Đo-rinh (Doreen), tên của em đó phải không? Tôi là chủ của em. Phòng này dành riêng cho em, phòng tắm của em ở bên cạnh, gần cửa”. Phòng tắm của tôi nữa à? Thật khó lòng tin những gì tôi đang nghe và thấy.
_“Bộ đồng phục của em trong ngăn đó, em để đồ đạc của em vào tủ có gương và tủ có ngăn kéo nhé”.
_“Thưa bà, em không có hành lý nào hết”.
_“Em nói rằng em không có gì cả sao!”.
_“Dạ vâng,em chỉ có bấy nhiêu thôi”.
Thiếu phụ bây giờ mới hoàn toàn hiểu ra rằng người giúp việc mới của bà thật là nghèo rớt mồng tơi. Bà nhã nhặn “Ồ, em, mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Rửa tay đi, rồi xuống nhà nhé!”. Bà khuất sau cánh cửa màu hồng, tôi nghe bước chân bà nhỏ dần ở cầu thang. Tôi ngồi xuống giường cách cẩn thận. Tôi tự hỏi nếu tôi bị trả về một lần nữa thì sao? Tôi lấy những vật sở hữu ra để lên bàn gồm quyển Thánh ca, cái hộp và chuỗi hột. Tôi tò mò thử cái đèn bên cạnh, đèn bật sáng. Tôi mừng rỡ. Tôi cũng cẩn thận ướm thử bộ đồng phục, nhìn vào gương. Tôi sực nhớ phải rửa tay rồi đi xuống nhà dưới. Mùi xà-phòng thơm xông lên mũi tôi, vừa hít tôi vừa bước xuống cầu thang. Ở đây, cái bếp cũng là một cảnh tượng mới mẻ cho tôi nữa. Cái gì cũng bóng loáng, cũng đẹp như mình nằm mơ và tôi sợ mình phải thức dậy. Bà chủ của tôi đang ngồi đó đợi tôi: “Đây là phần ăn tối của em, Đo-rinh (Doreen), và đây cũng là nơi en sẽ ăn mỗi bữa”. Bà lại đi. Ngồi một mình trong căn phòng rộng rãi quá, tôi hơi rùng mình. Tôi ăn thật mau vì rất đói bụng.bà chủ tôi trở lại khi tôi ăn gần hết bữa. Bà đã được cho biết rằng đứa tớ gái của bà xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng bà không thể hiểu được nó nghèo như thế này. Bà là con của một gia đình giàu có, kết hôn với một người chồng rất thành công trên thương trường. Vì thế, ít khi bà va chạm với hoàn cảnh thực tế bên ngoài. Bây giờ, trước mặt bà là đứa con gái mười bốn tuổi, ở trong một gia đình nghèo nhất. Chính vì vậy mà bà không biết cách nào dạy cho tôi làm xong nhiệm vụ. Bà tỏ ra rất thông cảm tôi, còn tôi thì rất thích bà chủ mới này. Bà lấy một chiếc ghế ngồi bên cạnh tôi và dịu dàng hỏi: “Chắc em muốn biết sơ qua công việc làm của em phải không? Này nhé, em phải gọi tôi bằng bà và chồng tôi bằng ông. Mỗi tuần tôi sẽ trả cho em 12 si-linh (đồng tiền của nước Anh). Mỗi tuần em có nửa ngày Thứ Ba để đi đâu tùy ý”. Bà thêm: “Em sẽ học việc được, Đo-rinh (Doreen), đừng có nản. Bây giờ em có quần áo ngủ đó không? Ừ, tôi sẽ biếu cho em một bộ mặc đỡ tối nay”.
_“Ồ, cảm ơn bà, cảm ơn bà nhiều lắm”.
Tôi trải qua một đêm trên cái giường riêng của tôi, trong phòng của tôi, trong căn nhà đẹp đẽ này. Tất cả đều như giấc mộng. Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa của ai đó. Tôi định trở mình qua rồi ngủ lại, nhưng sực nhớ ra rằng hôm nay mình là một đứa tớ gái nên vùng dậy. Tôi suy nghĩ không biết có nên mặc bộ đồng phục không, cuối cùng, tôi mặc y bộ đồ nhàu nát của tôi rồi đi thẳng xuống nhà dưới nơi có một bữa điểm tâm ngon lành đang đợi tôi. Tôi ngồi xuống thuởng thức những món ăn đó thì bà chủ xuất hiện: “Chúng ta sẽ đi Luân-đôn khi nào em ăn xong, Đo-rinh (Doreen)”. Tôi vội vàng ăn thật mau, vừa nghe lén những câu đối thoại giữa bà với một người đàn bà khác (người giúp việc dọn dẹp trong nhà). Bà chủ nói: “nó xuất thân từ một gia đình rất nghèo, nó không có gì cả, tôi sẽ đem nó đi Luân-đôn để sắm quần áo cho”. Người đàn bà nọ bước vào, thấy tôi, bà mỉm cười: “Chào em Đo-rinh (Doreen), tôi là bà Hiếu (Hill), người giúp việc hằng ngày ở đây”. Tôi chớp mắt mà không biết phải đáp lại với bà làm sao nên đành đứng im nhìn bà.
Sau này tôi biết rằng bà Hiếu (Hill) là người giúp việc ở đây lâu lắm rồi. Bà có nhiệm vụ dọn dẹp, lau chùi ở phòng ngủ, còn công việc của tôi là lau chùi ở nhà dưới và hầu bàn. Trong nhà còn một bà bếp giúp việc nữa, khi tôi đến thì bà đang nghỉ cuối tuần. Tôi lo lắng không biết ở làm sao cho vừa lòng mọi người đây.
Sau khi điểm tâm, tôi được bà chủ đưa đi Luân-đôn trong một chiếc xe màu đen do chính bà lái. Dọc đường bà hỏi rất nhiều điều về chính tôi. Bà tỏ ra rất hài lòng về những câu trả lời của tôi. Thật ra, một người giúp việc thì cần sự thành thực hơn là học thức và tôi tỏ ra rất thành thực trong những câu trả lời của mình.
Chẳng bao lâu chúng tôi đến Luân-đôn. Xe đậu tại cửa hàng Ha-rốt (Harrod) vừa đúng lúc cửa hàng mở cửa. Tôi được dẫn vào một phòng bán đồ tân thời nhất. Bà chủ là người rất quen biết nơi đây và người ta cố gắng hết sức để chìu lòng bà. Bà giải thích hoàn cảnh của tôi, vì thế, người bán hàng dẫn bà và tôi đi từ gian hàng này đến gian hàng khác. Tôi hoàn toàn bỡ ngỡ trước quang cảnh này. Người chạy lên lấy thùng, người khác chạy xuống lấy xách, lấy hộp và lấy mọi thứ cho vừa với thân hình tôi. Ao vét, áo thường, áo khoác… đủ màu. Tôi không dám nói phải lựa màu gì cả. Cuối cùng, tôi có một mớ quần áo mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Bộ đồ cũ nhàu nát của tôi được vứt bỏ. Tôi mặc vài thứ trong những đồ mới đó của tôi và mang đôi giày bóng láng. Các món còn lại được mang ra xe. Tuy nhiên, vì việc sắm sửa cho tôi vẫn chưa xong, bà chủ lại dẫn tôi về chỗ uốn tóc. Người ta gội rồi cắt tóc cho tôi. Xong đâu đấy, họ mời tôi soi mình vào một cái gương lớn, tôi cảm động và khó lòng mà nhận ra con người sáng sủa, bảnh bao ở trong gương đó lại là chính tôi. ‘Thật là một sự thay đổi lớn”, bà chủ nói với vẻ rất hài lòng về công việc buổi sáng của bà. Về phần tôi, tôi cứ tưởng mình nằm mơ và e rằng khi tỉnh giấc sẽ thấy mình đang nằm trên cái sạp gỗ nhớp nhúa ở Ớt-xơ-bơ-rít (Uxbridge). Nhiều người trong cửa hàng vây quanh tôi. Họ rất bằng lòng với những việc họ đã làm. Xong đâu đấy, bà chủ và đứa đầy tớ gái từ giã cái cửa hàng danh tiếng đó. Trên đường về, tôi cảm ơn bà chủ không ngớt. Thỉnh thoảng, tôi ngó lại phía sau xe nhìn những thùng hộp của mình. Thật cuộc đời không có gì đáng chán cả!
Trở lại Cao-lê (Cowley), tôi gặp bà bếp. Vừa gặp bà, tôi đã có cảm tình ngay. Bà chủ và bà bếp giúp tôi mặc đồng phục. Lại một kinh nghiệm mới nữa đến với tôi.
Người Khách Lạ
Một trong những công việc của tôi là cắt bánh mì cho mỗi bữa ăn tối. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những công việc mà ít nhất tôi có thể làm được. Tại sao? Vì tôi đã chẳng từng phân chia hàng trăm miếng bánh mì cho các đứa em đói bụng của tôi sao? Cắt xong những miếng bánh mì, tôi để riêng dĩa. Bà chủ đến, đôi chân mày dựng ngược lên vì kinh ngạc. Bà nhìn đống bánh mì rồi hỏi: “Em gọi đó là cái thứ gì trên thế gian này chứ?”. Tôi mau mắn “Dĩ nhiên đó là bánh mì, chứ còn gọi là thứ gì nữa? Bà muốn nói nó là thứ gì ạ?”. Tôi lo lắng không biết tại sao bà chủ lại không thích đống bánh mì tôi vừa cắt đó. _“Nè, Đo-rinh (Doreen), tôi sẽ dạy em cắt bánh mì như thế nào. Bỏ những miếng bánh mì vụn này đi!”. Đến phiên tôi kinh ngạc: “Bà nói bỏ những miếng bánh mì này à? Em sẽ đem về cho mấy đứa em của em ăn”. Bà chủ bực mình nhìn tôi, nhưng bà không nói gì cả. Còn bà bếp thì đứng phía sau cố gắng bụm miệng để khỏi bật cười thành tiếng trong lúc tôi đang chú ý cách cắt bánh mì mà bà chủ dạy.
Trong khi chưa thành công với những công việc đầu tiên, tôi đã bắt đầu suy nghĩ đến những công việc trong tương lai. Tôi thật muốn học nhưng coi bộ khó học quá với những rắc rối luôn luôn cặp theo. Bà chủ bảo tôi lau bóng đèn nền nhà khách. Bà đã dặn kỹ tôi phải làm thế nào. Tôi đem dụng cụ ra, làm thật lẹ làng. Chẳng bao lâu tôi biến phòng khác đầy nước và xà-phòng, vừa khi bà chủ khám phá ra thì nước đã ngập đến tấm thảm mấy rồi. Tuy nhiên, bà chủ vẫn dịu dàng: “Đo-rinh (Doreen), như thế này thì nguy quá, em phải lau lại cho khô hết và phải cho sạch bóng”. Tôi buồn buồn: “Bà chủ bảo em phải lau lại tất cả sao? Uổng công em làm từ sáng đến giờ, nếu bà muốn bóng thì tự bà lau lấy có phải hơn không?!”.
Sau cuộc đối thoại giữa bà chủ và cô tớ gái này, tôi thấy bà bếp từ bếp bước lên, liếc nhìn tôi rồi quay đi, bà đã khó lòng giữ cho đừng bật ra tiếng cười. Bà chủ bấy giờ nghiêm nghị: “Em phải làm như lời tôi dặn, Đo-rinh (Doreen), làm như thế này này…”. Tôi im lặng làm theo lời bà chủ dạy, không phản đối nữa.
Xà-phòng bột đối với tôi cũng là một thứ mới lạ nữa. Bà chủ bảo tôi giặt hai cái khăn bàn. Tôi dùng hết nửa bịch bột giặt và nửa chai thuốc giặt. Tôi muốn làm cho cái khăn thật sạch mà. Khỏi phải nói kết quả ra sao rồi: bột và xà-phòng văng tứ tung, còn cái khăn bàn thì phai hết màu. Tuy nhiên, bà chủ không rầy rà tôi mấy. Trái lại, bà và bà bếp rất kiên nhẫn với tôi. Còn tôi, sau mỗi lần sai trật, tôi chạy lên phòng khóc nức nỡ. Một hôm, bà chủ bảo tôi nhóm lửa, tôi mỉm cười đắc thắng: “Lần này, mình sẽ cho bà biết”. Tôi nhanh nhẩu “Bà chủ đưa giùm em cây chích lửa và than, em sẽ chỉ cho bà chủ thấy em làm được mà!”.
_“Em phải gọi tôi bằng Bà chứ không phải bằng bà chủ”. “Dạ vâng, em nghe Bà”. Một lần tôi làm lửa cháy bùng lên trong lò sưởi, những bà chủ và bà bếp không biết là tôi đã dập tắt được mặc dầu ngọn lửa có hơi nguy hiểm.
Đời sống ở Cao-lê (Cowley) có lúc vui, có lúc buồn, có lúc khóc, có lúc cười, có lúc thành công nhưng thất bại thì nhiều, nhưng chỉ mới có mấy ngày thôi. Trong nhà, từ ông chủ, bà chủ, đến các người giúp việc chưa có ai gặp một người giúp việc như tôi. Tôi là nguyên nhân của những rầy rà, lo lắng, cảm động, hư hỏng, vui cười… Bây giờ, tôi được giao cho công việc ở một phòng khác. Tôi lo sợ sẽ làm đổ bể những vật quý giá trong phòng này. Tôi thắc mắc ‘Tại sao họ làm ra nhiều phòng như thế này nhỉ, chẳng bù với nhà mình ở Ớt-xơ-bơ-rít (Uxbridge), chỉ có hai ngăn mà dồn lại cũng chẳng bằng một phòng ở đây. Cuộc sống quả thật khác hẳn ở đây!”. Bà bếp luôn luôn giúp tôi làm xong công việc nhưng đôi khi tôi cảm thấy lạc lỏng giữa căn phòng rộng lớn này. Tôi nhớ mấy đứa em tôi quá đỗi. Bà bếp đã giúp việc ở đây 8 năm rồi, bà luôn luôn có đôi má hồng, miệng chúm chím. Bà và tôi thường ăn chung với nhau, chúng tôi thường tâm sự với nhau và tôi thường làm cho bà cười. Bà luôn gọn gàng, sạch sẽ, chẳng bù cho tôi mới mặc quần áo có nửa ngày là đã thấy bẩn rồi. Bà chủ hơi thất vọng. Bà bếp thường khuyên tôi cố gắng lên. Tôi cố gắng theo lời khuyên của bà nhưng khó làm quá!
Mở cổng cũng là một vấn đề cho tôi. “Chắc không có gì rắc rối khi bảo nó làm công việc này”. Có lẽ bà chủ nghĩ vậy. Nhưng bà đã lầm. Tôi không thể làm việc gì mà không gây rắc rối được. Một bữa tối kia tôi được bà cho biết là sẽ có khách quý đến, tôi giữ nhiệm vụ mở cửa và lễ phép mời khách vào phòng khách. Nghe tiếng chuông reo, tôi lẹ làng chạy ra cổng. Bà bếp đứng nửa trong nửa ngoài cửa nhà bếp nhìn tôi. Tôi mở cửa nhanh nhẩu “Vào đi!”. “Phải lau chân trước khi bước vô phòng khách đó!”. Hai người khách nhìn tôi rồi bước thẳng vào nhà. Tôi tiếp theo “Đưa áo mưa đây cho tôi để tôi treo nó lên”. Họ làm theo mệnh lệnh của tôi không sót một lời. Tôi chạy đi báo tin cho bà chủ rồi đi thẳng xuống bếp. Tôi ngạc nhiên khi thấy bà bếp cười ngặt ngoẽo, nước mắt chảy cả trên má bà. “Cái gì vậy, Bếp?”. Tôi hỏi. Bà bếp không thể trả lời được. “Con đã làm đúng phải không Bếp?”. Bà bếp lại cười nhiều hơn. Bà chủ xuất hiện. Bà rất giận dữ. Còn tôi, tôi đã làm xong công việc với bản tánh sẵn có của tôi nên không hiểu chi cả. Bà bếp vẫn cười ra nước mắt và đi về phòng bà.
Thứ Ba đến, bà chủ kêu tôi lại và nói: “Bây giờ em được tự do nửa ngày, đi đâu thì đi, tùy ý, nhưng phải có mặt ở đây trước mười giờ tối nay”. Bà cũng trả tiền công cho tôi nữa. “Ồ, cảm ơn bà, cảm ơn bà nhiều lắm”. Tôi chạy về phòng đếm được mười si-linh rưỡi. Chẳng bao giờ tôi có riêng được ngần ấy tiền. Tôi cảm thấy mình như là một bà quận công; rồi tôi nghĩ tại sao không về lại Ớt-xơ-bơ-rít (Uxbridge) để cho người ta biết sự thành công của mình bây giờ nhỉ? Trong bộ quần áo mới, tiền bỏ vào túi, tôi hãnh diện ra ga. Trên đường về nhà, tôi thấy mọi vật khác hẳn, chúng mới hơn, đẹp đẽ hơn… Mới chiều Chúa nhật hôm nào đây, chỉ có mấy ngày thôi, nhưng đối với tôi như cách xa hằng năm.
Tôi mua kẹo cho các em tôi rồi ngồi xuống gọi một ly cà-phê. Tôi có cảm giác mới của con người tự ý thức được việc làm của mình. Thình lình, tôi nghĩ đến thuốc lá. Hút đối với tôi phải không là chuyện lạ vì từ lúc lên tám tuổi, tôi đã lượm những mẫu tàn thuốc của Ba tôi rồi hút lại. Đôi khi tôi còn ăn cắp thuốc trong túi ông để hút nữa. Bây giờ trở về Ớt-xơ-bơ-rít (Uxbridge) thì cơn bệnh cũ lại tái hiện với tôi. Tôi mua một gói thuốc ở quầy rồi rồi trở lại bàn đốt một điếu. Tôi cảm thấy thú vị lắm nhưng không một ai để ý đến hành động của cô bé gái này. Tôi nghĩ thầm: “Mình đã lớn thật rồi mà, mình có quyền làm và đi đâu tùy ý mình thích”.
Rời quán cà-phê tôi rảo bước về nhà, nơi tôi đã trải qua những năm tháng đầy đắng cay. Tôi thấy các em tôi từ đằng xa. Tôi lạ quá đối với chúng đến nỗi tôi phải kêu chúng mấy lần chúng mới nghe. “A ha! Đô (Dor), Đô, Chị Đô về!”. Nét mừng rỡ hiện rõ lên những khuôn mặt ngây thơ. Tôi ôm chúng vào lòng. Mặt đứa nào cũng lem luốc, tóc rối bù… tôi thích thú khi nghe cả bốn đứa cùng kể chuyện một lượt. Tôi cảm thấy tôi yêu chúng hơn là tôi tưởng. Tôi chia kẹo cho chúng rồi chị em nắm tay nhau về nhà. Tất cả con nít trong xóm đều chạy ra mừng chị cả của chúng. Bà con xóm giềng ra trước cửa nhìn con Đo-rinh (Doreen) mới. Tôi dừng lại để nói chuyện với họ về cuộc sống mới của tôi. Tôi là đề tài hấp dẫn nhất cho lối xóm chiều hôm đó. Bước vào nhà, Ba tôi đi vắng. Mũi Tên Đen không nói một lời. Căn nhà trông tồi tệ hơn trước. Tôi bước ra dạo quanh làng với mấy đứa em và lũ trẻ con như những ngày xưa tôi thường dẫn chúng đi chơi. “chị có đem chúng em đi với không, chị Đô (Dor)? Cho em đi với chị nghe, chị Đô (Dor)?”. Chúng coi như chị chúng có cả vùng đất mới với kho tàng, vựa lẫm không bằng. Cuối cùng, Ba tôi về nhà. Tôi biết rằng tôi vẫn thương yêu ông. Nhưng khi thấy tôi, Ba tôi không có một hành động gì đá động đến tôi cả. Tôi cũng có hỏi thăm người Mẹ yêu dấu của tôi nhưng không ai biết gì để trả lời. Tôi cảm thấy lạc lỏng bèn bước ra khỏi nhà. “Mình không thuộc về gia đình nữa, mình là một khách lạ, nếu không vì mấy đứa em thì mình chẳng bao giờ trở về căn nhà này nữa đâu”.
Trở lại căn nhà rộng lớn của chủ tôi ở Cao-lê (Cowley), bà bếp hỏi: “Đi nửa ngày có gì vui không cháu?”. Tôi buồn quá, chỉ gục đầu để trả lời cho bà bếp.
Sự Khởi Hành
Bà bếp bảo tôi: “Mầy dại quá, Sao phung phí tiền mua thuốc hút! Nếu bà chủ biết được thì phiền phức lắm đó”. Tôi nghĩ: Chuyện đó chẳng ăn thua gì vì tôi đã gặp rắc rối hoài mà! Dù tôi chỉ hút lén ở phòng ngủ thôi, nhưng lâu ngày bà chủ cũng khám phá ra. Bà bếp cũng như bà chủ, không ai biết được nỗi buồn chán mà tôi đang gánh chịu; nếu có ai thông cảm được, chắc họ hiểu tại sao tôi lại hút nhiều như thế. Tôi học cách làm việc rất mau nhưng cũng không khỏi nhiều lần hỏng việc. Như chuyện tôi được biết hai đứa trẻ trong nhà. Từ đầu, bà chủ đã giữ không cho hai đứa trẻ tiếp xúc với tôi. Có lẽ bà không muốn chúng bắt chước cái giọng điệu và ngôn từ của tôi. Thật ra, không phải lúc nào cha Mẹ cũng thành công đâu. Tôi đến hiểu chúng nhiều hơn, nhân một buổi tối nọ, bà chủ giao hai đứa trẻ cho tôi trông nom khi ông bà có việc phải đi. Còn Bếp thì bận việc khác. Hai đứa trẻ bắt ngay lấy cơ hội, tha hồ vui đùa với tôi. Chúng than rằng chúng đói bụng và nhờ tôi lấy thức ăn cho chúng. Tôi dẫn chúng vào bếp và để mặc chúng muốn lấy gì tùy ý. O có biết bao thứ mà chúng khoái! Tôi giúp chúng lấy nào bánh, nào kem, nào trái cây… Chúng ta có một buổi tối thích thú với nhau và dần dần hiểu nhau hơn. Sáng hôm sau bà chủ và Bếp khám phá ra những gì đã mấy! Hai đứa bị vặn hỏi nhiều lần; chúng đổ lỗi hết cho tôi. Bà chủ rất giận dữ. Tôi thật sự gặp rắc rối. Tôi nổi cáu:
_“Nếu bà ở trường hợp của tôi thì bà làm sao khi tụi nhỏ cứ đòi ăn? Bà phải lấy cho chúng ăn chứ, phải không?”.
_“Tôi nghĩ là em cũng có ăn, Đo-rinh (Doreen) ạ”
_“Ừ, nếu tôi có ăn chùng, ăn lén thì đã ăn cả tuần nay rồi, bà cũng thấy chứ?”.
Bà bếp cứ cười,còn tôi thì không; tôi không cho rằng đây là một chuyện đùa. Tôi thu dọn đồ đạc để ra đi. Bà bếp theo tôi, rồi bà chủ, tới hai đứa trẻ. Bà bếp nói: “Bà chủ à, xin bà đừng rầy nó quá, nó đã khổ quá rồi”. Tiếp theo lũ trẻ cũng năn nỉ Mẹ chúng đừng để tôi đi. Sau đó chúng xin lỗi bà rằng tại chúng chứ không phải tại tôi. Thế là chuyện rắc rối đó cũng đến quên đi cách mau chóng. Chủ tôi là một người đàn bà hết sức kiên nhẫn đối với tôi.
Hơn sáu tuần kể từ ngày tôi vào nhà này giúp việc, một buổi sáng kia tôi thức dậy đi xuống nhà bếp để sửa soạn bữa ăn sáng, lúc đó hơn 7 giờ rồi mà tôi không thấy Bếp đâu cả. Tôi gọi “Bếp đi đâu rồi, Bếp ơi!”. Không có tiếng trả lời. Tôi lại gọi nữa, có tiếng thật nhẹ nhàng của bà chủ “Đo-rinh (Doreen), Bếp đã chết khi hôm, trong lúc bà ngủ”. Tôi nhìn bà chủ không tin: “Chết à! Bếp không thể chết được, có lẽ bà lầm đó”. Tội nghiệp bà chủ, dù rất xúc động nhưng bà cũng cố gắng nói cho tôi hiểu đó là sự thật: “Bếp đã chết thật rồi, Đo-rinh (Doreen), chết trong giấc ngủ, một cái chết rất bình thản. Bây giờ, tôi xin em hãy giúp tôi bằng cách giữ im lặng, tôi đang đợi bác sĩ từng giây đây”. Tôi vẫn không im: “Tại sao còn gọi bác sĩ làm gì? Bếp đã chết mà!”. Tôi rất ngạc nhiên nhưng không hỏi thêm gì khác vì bà chủ đã quyết định không nói nữa, nhưng bà cũng khó lòng làm cho tôi im được. Mọi người, kể cả tôi, đi lại cách im lặng trong nhà. Gần một giờ sau, khi ở một mình trong nhà bếp, nước mắt tôi bắt đầu tuôn tràn. Tôi bắt đầu hiểu rằng người bạn thân yêu của tôi không bao giờ còn nói chuyện với tôi nữa. Mọi vật trong nhà bếp đều gợi cho tôi hình ảnh của Bếp. Bếp, Bếp thân yêu đã đi rồi. Mọi vật như thế nào khi vắng Bếp đây? Không ai thay thế Bếp được! Thật vậy, Bếp chẳng bao giờ có ai thay thế được. Còn tôi, như được nâng đỡ hơn, bà chủ quyết không mướn Bếp khác, vì bà thấy nỗi thống khổ của tới bây giờ thì bà chủ làm bếp, đôi khi có bà Hiếu (Hill) giúp, đôi khi thì tôi. Tôi thích nấu ăn và tôi học được rất nhiều nhờ sự kiên nhẫn của bà chủ. Bà dạy tôi làm bánh, làm cốc-tai (cocktail) trái cây và những món ăn thông thường khác.

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]