Kiến thức Kinh Thánh cần cho một đời sống phong phú và tràn đầy ý nghĩa.
Vì những lời trong quyển sách đó có đặc điểm là lấp đầy khoảng trống, bắc cầu qua vực sâu, biến những màu sắc phôi pha trong cuộc sống ta thành những viên ngọc quí lóng lánh. Hãy tập hỏi Kinh Thánh mọi thứ bạn thắc mắc. Trong các trang Kinh Thánh, bạn sẽ tìm được câu trả lời đúng cho mọi vấn đề.

Nhưng trên hết Kinh Thánh mở ra cho bạn bản chất của Đức Chúa Trời. Suốt hàng thế kỷ các nhà triết học đánh vật với vấn đề một Đấng tối cao. Đấng đó là ai? Là cái gì? ở đâu ? Nếu có đấng ấy thật, ngài có quan tâm gì đến tôi không? Nếu có, tôi làm sao để biết được Ngài? Câu trả lời cho những câu hỏi tương tự và hàng ngàn câu hỏi khác nữa nằm trong quyển sách đặc biệt mà ta gọi là Kinh Thánh.
Chương ba: Đức Chúa Trời
“Nếu ông dò xét, há có thể hiểu biết được sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời…” Gióp 11:7
Đức Chúa Trời là ai? Ngài trông ra sao? Làm sao ta biết chắc là Ngài có thật? Ngài có từ bao giờ? Chúng ta có biết Ngài được không?
Người nào cũng tự hỏi những câu tương tự, dù là hỏi thầm hay thành tiếng, vì khi xem xét thế giới chung quanh, chúng ta không thể nào không kinh ngạc về công cuộc tạo dựng nên nó. Chúng ta đụng độ hàng ngày với phép lạ sự sống và cái chết bí ẩn, với bài ca khen ngợi của những cây cối trổ bông, với bầu trời đầy sao tráng lệ, với những núi và biển hùng vĩ. Ai tạo ra tất cả những thứ đó? Ai đặt nền móng cho định luật vạn vật hấp dẫn, mà nhờ đó mọi thứ được giữ nguyên ở vị trí của mình? Ai ra lệnh cho có ngày, đêm và các mùa luân chuyển quanh năm?
Câu trả lời có thể được duy nhất cho những câu hỏi trên cũng như vô số các câu hỏi khác là: đây là công cuộc sáng tạo của Đấng tạo hóa tối cao. Mọi chiếc đồng hồ đều được chế tạo theo thiết kế của nhà sáng chế ra sao thì mọi cơ thể sống chuẩn xác trong thế giới chúng ta cũng đều được tạo ra theo thiết kế của một nhà sáng chế vĩ đại là Đấng tạo hóa như vậy. Chúng ta gọi Ngài là Ông Trời (Đức Chúa Trời). Cái tên này cả nhân loại đều thuộc. Ngay từ thuở ấu thơ, cái tên đó đã lọt vào trong ta cùng với hơi thở. Kinh Thánh dạy rằng, Đức Chúa Trời mà ta đang nói đến, Đức Chúa Trời mà ta tôn vinh, Đức Chúa Trời mà “mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn” đều từ Ngài mà ra (Gia-cơ 1:17) chính là Ông Trời đã tạo nên thế giới này và đặt chúng ta vào sống trong đó.
Nhưng mà “Ngài là ai?” Bạn sẽ hỏi thế. “Ngài ở đâu?” Chúng ta ai cũng biết tên Ngài. Chúng ta gọi Ngài trong những phút khó khăn và thử thách. Nhiều người trong chúng ta cố gắng sao cho mỗi một tiếng đồng hồ thức giấc trong ngày đều tràn đầy suy nghĩ về Ngài. Số khác thì nói họ không tin vào Ngài, rằng Ngài không có thật. Và còn một số khác nữa nói: “Phải giải thích cho tôi nghe về Ông Trời đi thì có khi tôi sẽ công nhận Ông ấy”.
Nếu bạn cũng ở trong số đó, nếu cả đời bạn đã nghe nói và cũng nói về Ông Trời, nhưng vẫn mong có ai giải thích được cho bạn về Ngài, để bạn có thể tin vào Ngài, và chỉ vào một mình Ngài mà thôi, thì chúng ta hãy cùng xem Kinh Thánh có thể mô tả cho ta chính xác đến mức nào.
Trong giai đoạn nguy ngập hiện nay trong lịch sử thế giới, mỗi người đều cần tìm câu trả lời cho câu hỏi “Ông Trời như thế nào?” Mỗi người đều cần đặt câu hỏi đó, và mỗi người đều cần nắm chắc câu trả lời. Mỗi người đều cần biết không chút nghi ngờ về việc Đức Chúa Trời là ai và Ngài có thể làm được gì.
Sự thiếu hiểu biết về Đức Chúa Trời và việc con người từ chối tuân lệnh Ngài là gốc rễ của mọi vấn đề và nhu cầu đang đè nặng lên ta. Việc con người không biết và bối rối trước chương trình của Đức Chúa Trời đã khiến thế giới hỗn loạn. Việc con người không muốn nhận biết Đức Chúa Trời cũng như vâng phục Ngài và các luật lệ của Ngài là thủ phạm gây ra cái ách đè nặng trong tâm hồn ta. Vì vậy ta sẽ học cho hết những gì có thể biết được về Ngài !
Ta đi đâu mới tìm được hiểu biết ấy? Ai trong chúng ta có thể cung cấp chân lý? Chẳng lẽ chúng ta không phải là những kẻ chết rồi tầm thường sao? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại chọn một người nào ở thế gian này để nói về Ngài được trao uy quyền tối thượng của Ngài? Không. Người duy nhất có thể làm việc đó sống cách đây những hai nghìn năm, và chúng ta đã đóng đinh Ngài mất rồi! Làm sao mà biết được nữa?
Chúng ta có thể hỏi các nhà khoa học, và họ sẽ trả lời rằng Đức Chúa Trời chính là hiện thân của tất cả những gì đang tồn tại trong thiên nhiên và trong cuộc sống, rằng tất cả các sinh vật sống hợp thành một thể thống nhất với Đức Chúa Trời, rằng bản thân sự sống là hiện thân bản chất thần thánh của Ngài. Họ sẽ nói rằng bạn có thể thấy được Đức Chúa Trời trong cả giọt nước nhỏ xíu lẫn trong vòm trời đồ sộ.
Hãy hỏi nhà triết học thì ông ta sẽ đáp với bạn rằng Đức Chúa Trời là một lực ban đầu không đổi, đứng đằng sau toàn bộ tạo vật, rằng Ngài chính là một nguồn năng lượng vận động cả thế giới, rằng Ngài là một sức mạnh không đầu không cuối. Nhà triết học sẽ bảo rằng mọi hiện tượng của sự sống và của cái đẹp mà ta đang thấy là hiện thân của sức mạnh đó, cái sức mạnh tuôn ra liên tục từ nguồn năng lượng kia rồi lại quay về chính nguồn.
Hãy hỏi tiếp, và bạn có thể sẽ được nghe nói rằng Đức Chúa Trời là Mọi Sự trong Mọi Sự, và không ai có thể biết gì hơn nữa về Ngài. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về Đức Chúa Trời. Mỗi xứ sở, mỗi giống người hay mỗi dân tộc, mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều thử định nghĩa cái Sinh Vật Tối Cao đang làm chuyển động cả thế giới kia. Con người ở mọi thời đại đều cố tìm hiểu Đấng Tạo Hóa, đấng mà tạo vật của Ngài thì họ trông thấy, song chính Ngài thì họ chưa biết. Trong số những lời giải thích kia thì lời nào là đúng? Ta phải tiếp thu học thuyết nào trong một mớ những học thuyết kia? Ta phải tuân theo cái nào trong số những uy quyền mạo nhận kia?
Như bạn đã thấy trong chương trước, Đức Chúa Trời tự bày tỏ về mình trong một quyển sách mà ta gọi là Kinh Thánh. Nếu tin trong Kinh Thánh có sự mặc khải (tỏ ra) của Đức Chúa Trời cho chúng ta, ta sẽ tìm được sự thỏa mãn hoàn toàn cho cả trí óc lẫn tấm lòng. Chúng ta có thể tin chắc là mình có câu trả lời đúng, là mình đi đúng con đường nhận biết và hiểu bản chất thật của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời tỏ ra về mình trong Kinh Thánh, và nếu ta đọc Kinh Thánh thật kỹ lưỡng và đều đặn như ta vẫn đọc báo chí hàng ngày, chúng ta sẽ biết về Đức Chúa Trời nhiều ngang với biết về chính trị và các vận động viên mình thích!
Viên kim cương có rất nhiều mặt, và sự tỏ ra của Đức Chúa Trời về mình cũng thể hiện dưới nhiều dạng đến mức phải hàng tập sách mới tả hết được. Vì không đủ chỗ, chỉ cần chỉ ra bốn điều trong số đó, là bốn điều có ý nghĩa quan trọng nhất và ta phải luôn nhớ.
Thứ nhất: Kinh Thánh gọi Đức Chúa Trời là thần (linh). Trong khi nói chuyện với một phụ nữ bên giếng Si-kha, Jêsus đã định nghĩa hoàn toàn chính xác về Đức Chúa Trời như sau: “Đức Chúa Trời là thần” (Giăng 4:24).
Bạn nghĩ gì khi nghe đến chữ “thần”? Hình ảnh nào hiện lên trước con mắt tinh thần của bạn? Bạn có hình dung một đám mây mơ hồ trên trời không? Hay bạn cho rằng thần là một cái gì giống như con ma vẫn dọa bọn trẻ con? Hay thần đối với bạn là một cái gì vô hình? Bạn có nghĩ rằng khi bảo “Đức Chúa Trời là thần” Đấng Christ có ý nói như vậy hay không?
Để làm sáng tỏ xem “thần” thật ra là gì, và Đấng Christ định nói gì khi dùng chính chữ đó, ta lại phải về với Kinh Thánh, đến đoạn tả cảnh sau khi Đấng Christ sống lại, lúc Ngài nói: “…Hãy rờ đến ta; – thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có” (Lu-ca 24:39). Nhờ đó mà ta có thể tin chắc rằng thần không có thể xác, thần ngược với thể xác, nhưng tồn tại và có sức mạnh. Chúng ta khó hiểu điều này là vì ta định dùng bản chất xác thịt có hạn và cảm xúc của mình để hiểu.
Là con người đã mất thị giác vô hạn mà ban đầu Đức Chúa Trời định sẵn cho tạo vật của Ngài, chúng ta không hiểu nổi ánh hào quang (vinh hiển) của Đấng Thần (Linh) hiện đang quá xa ngoài giới hạn cảm thụ của ta. Khi nghe đến chữ “thần”, ngay lập tức chúng ta đã định thu hẹp chữ đó đến độ lớn rất nhỏ của ta, gò ép nó vào khuôn khổ trí óc nhỏ bé của ta. Cũng giống như khi ta định giải thích độ hùng vĩ và sự bao la khiến phải run sợ của đại dương cho một người chưa bao giờ thấy cái gì to hơn vũng nước mưa ! Người đó làm sao mà tưởng tượng nổi đại dương mênh mông? Chỉ nhìn một vũng nước bẩn thỉu ngầu đục, làm sao người đó có thể hình dung được độ sâu không đáy, đời sống bí ẩn, sức mạnh tàn phá, vận động không ngừng, sự lạnh lùng khủng khiếp của giông tố hay vẻ đẹp không tả nổi của mặt đại dương phẳng lặng ? Chỉ nhìn vũng nước bẩn, làm sao người đó hiểu được chúng ta nói gì? Dùng lời lẽ nào mới có thể truyền đạt một cách thuyết phục cho người đó hiểu được vẻ vĩ đại của đại dương hùng mạnh? Làm sao khiến được người đó tin rằng một điều kỳ diệu như vậy quả là có thật?
Vậy thì đối với chúng ta, hiểu được Đấng Christ ngụ ý gì khi nói “Đức Chúa Trời là thần” còn khó vô vàn đến đâu nữa! Jêsus Christ biết vậy! Trí tuệ của Ngài không hữu hạn như của chúng ta. Cái nhìn của Ngài không tập trung vào vũng nước bẩn của đời sống. Ngài có quyền tiếp cận hết với những lĩnh vực vô hạn của Thần (Linh), và Ngài đến là cho ta hiểu chút gì về các phép lạ, về điều tốt lành, về sự bình an trong đó.
Chúng ta biết thần là cái gì không dính dáng đến thể xác. Thần không hao mòn như thể xác. Thần không thay đổi như thể xác. Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là một Thần như thế – Ngài không bị giới hạn trong thể xác. Ngài không bị giới hạn trong một hình dạng, Ngài không bị cố định trong các giới hạn. Ngài không bị bất cứ cái gì ràng buộc, không đo lường được và vô hình đối với cặp mắt chỉ đủ khả năng phân biệt những hình thể vật chất. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng vì không bị giới hạn nào, Ngài có thể cùng lúc ở khắp mọi nơi. Ngài thấy được mọi thứ, nghe được mọi thứ và biết được mọi thứ.
Chúng ta thì không thế được và vì thế muốn giới hạn Đức Chúa Trời theo khuôn mẫu hữu hạn của chính mình. Chúng ta muốn phủ nhận việc Đức Chúa Trời đủ sức làm những điều mà tự ta không làm được. Chúng ta cố chứng tỏ rằng, nếu con người không thể có mặt ở khắp nơi, thì Đức Chúa Trời cũng không có mặt ở khắp nơi được! Chúng ta thật ra giống một người, sau khi nghe nói đến đại dương, rốt cục cũng định tìm đến đại dương, và tìm đến rồi bèn múc vài giọt nước vào lòng bàn tay.
“A, – người ây kêu lên, – rốt cục đại dương đã thuộc về ta! Ta đang cầm nó trong tay, nó là của ta!” Và thật ra, một phần đại dương thuộc về người đó, nhưng cùng lúc đó bao người trên hàng ngàn bãi biển khác cũng có thể múc lấy vài giọt nước đại dương vào lòng bàn tay. Hàng triệu người có thể tập trung ở bờ biển và múc đầy nước vào lòng bàn tay mình. Cứ cho họ múc bao nhiêu tùy thích, bao nhiêu tùy ý – đại dương vẫn chẳng suy suyển gì hết. Sức mạnh hùng hậu của đại dương vẫn như cũ, sự sống dưới những vực sâu không đáy của nó vẫn sẽ tiếp diễn như cũ, dù đại dương đã thỏa mãn hết mọi nhu cầu của từng con người chìa tay về phía nó trên khắp các bờ biển.
Với Đức Chúa Trời cũng như vậy. Ngài có thể ở khắp mọi nơi và trong cùng một lúc, tiếp nhận lời cầu nguyện của mọi người nhân danh Jêsus mà kêu cầu Ngài, khiến thế giới đầy những phép lạ, giữ các vì sao ở nguyên chỗ của chúng, cho phép phôi thai từ hạt giống biến thành mầm sống và chỉ đường cho loài cá bơi giữa biển. Đối với Đức Chúa Trời không có giới hạn nào. Đối với sự khôn ngoan của Ngài không có giới hạn nào. Đối với sức mạnh của Ngài không có giới hạn nào. Đối với tình yêu của Ngài cũng không có giới hạn. Đối với sự thương xót của Ngài cũng không có giới hạn nữa.
Nếu bạn định giới hạn Đức Chúa Trời – hãy dừng lại ! Đừng toan giới hạn Ngài hay sức sáng tạo của Ngài ở bất kỳ nơi nào hay lĩnh vực nào. Bạn đâu có định giới hạn đại dương. Bạn đâu đủ can đảm để thay đổi quĩ đạo của mặt trăng, hay để khiến trái đất ngừng quay quanh trục của nó! Vậy lại càng ngu ngốc bao nhiêu nếu định giới hạn Đức Chúa Trời, là đấng đã tạo nên mọi thứ và điều khiển mọi phép lạ ấy!
Tôi biết ơn mẹ tôi vô hạn về nhiều điều, nhưng điều tốt lành nhất và còn lại với tôi suốt đời, đó là việc bà dạy tôi từ lúc lên mười rằng Đức Chúa Trời là Thần, Vô Tận, Vĩnh Cửu và Bất Biến. Định nghĩa này về Đức Chúa Trời đi theo tôi cả đời, mà khi một người nhận thức được trong lòng rằng Đức Chúa Trời là Đấng Vô Tận, Vĩnh Cửu và Bất Biến, điều này sẽ giúp người đó thắng được cám dỗ muốn giới hạn Đức Chúa Trời và chiến thắng mọi nghi ngờ về khả năng hoàn thành những gì con người không thể tự làm của Ngài !
Một số người không tin Kinh Thánh là Lời Chúa thực sự, họ nghi ngờ là vì họ không muốn gán cho Đức Chúa Trời cái gì mà họ không tự đạt được. Nếu bạn có chút thiếu tin tưởng nào vào tính hà hơi của Kinh Thánh – hãy đọc lại Kinh Thánh. Hãy nhìn Kinh Thánh bằng cặp mắt của một người cả đời chỉ thấy vũng nước bẩn mà giờ đây lần đầu tiên được đứng trước đại dương ! Có thể chỉ khi đó bạn mới lần đầu tiên trông thấy sự hùng mạnh của Đức Chúa Trời tỏa chiếu. Có thể chỉ khi đó bạn mới có thể hiểu đúng được Ngài như vốn dĩ Ngài vẫn có. Vì nếu Đức Chúa Trời thực sự là Thần mà Jêsus đã nói đến thì không có gì phải thắc mắc về tầm nhìn xuyên suốt, về sự toàn năng của Đức Chúa Trời trong các công việc loài người, về sự mặc khải (cảm động, hà hơi) của Ngài cho những đã viết Kinh Thánh. Chỉ cần bạn hiểu Đức Chúa Trời thực sự là Ai và là Gì thì mọi thứ sẽ đâu vào đấy.
Thứ hai : Kinh Thánh lột tả Đức Chúa Trời là một cá thể (tính cách, thân vị). Khắp Kinh Thánh đều nói : “Đức Chúa Trời yêu”, “Đức Chúa Trời phán”, “Đức Chúa Trời làm”. Mọi chúng ta gán cho một cá nhân đều gán được cho Đức Chúa Trời. Cá thể là một thực thể biết cảm nhận, suy nghĩ, mong muốn và có đủ mọi phương tiện để biểu đạt cá tính của mình.
Trên đất này chúng ta giới hạn cá thể trong thể xác (thân thể). Trí tuệ hữu hạn của ta không thể hình dung được cá thể nào không hiện thân bằng xương và thịt. Chúng ta biết cá thể của mình không phải mãi mãi bọc trong thể xác mà bây giờ chúng ta đang có. Chúng ta biết rằng đến lúc chết, cá thể chúng ta sẽ rời thân thể và đi con đường đã định sẵn cho nó. Chúng ta biết hết điều này, nhưng ta vẫn rất khó công nhận.
Thật là một sự tỏ ra lớn lao nếu ta hiểu được rằng cá thể không thể đồng nhất với thực thể vật chất. Đức Chúa Trời không bị ràng buộc bởi xác thịt, nhưng Ngài vẫn là một Cá Thể. Ngài biết cảm giác, suy nghĩ, yêu, tha thứ, thông cảm với chúng ta trong những vấn đề và lo âu mà ta đụng phải.
Thứ ba: Kinh Thánh khẳng định Đức Chúa Trời không phải chỉ là Thần và là một Cá Thể, mà Ngài là một Thực Thể Thánh Sạch và Công Bình. Từ sách Sáng thế ký đến sách Khải huyền Đức Chúa Trời luôn thể hiện mình là một Đức Chúa Trời thánh sạch. Ngài tuyệt đối hoàn thiện trong từng tạo vật. Ngài quá sức thánh sạch để có thể đụng đến con người tội lỗi, quá thánh sạch để chịu nhịn một đời sống tội lỗi. Ngài là Đức Chúa Trời thánh sạch và hoàn hảo.
Giả sử ta có khái niệm chính xác về sự công bình lớn lao của Ngài thì cuộc sống ta – mỗi người cũng như cả dân tộc – chắc phải rất khác ! Giá chúng ta có thể nhận thức được cái hố sâu kinh hoàng ngăn cách con người tội lỗi với sự công bình hoàn thiện của Đức Chúa Trời thì thế giới này đã khác. Kinh Thánh gọi Đức Chúa Trời là sự sáng không có một chút tối tăm nào lẫn vào – Thực Thể Tối Cao duy nhất không hề bị bóng đen và không hề bị chê trách.
Đây lại là một khẳng định nữa mà con người không hoàn thiện khó hiểu. Chúng ta yếu đuối và sai lầm khắp nơi, cho nên khó mà hình dung được sự thánh sạch áp đảo trong mọi sự của Đức Chúa Trời, nhưng nếu muốn hiểu và được lợi từ Kinh Thánh, ta cần công nhận sự thánh sạch ấy.
Cái vực sâu ngăn cách con người không hoàn thiện với Đức Chúa Trời hoàn thiện được khắc họa đậm nét trong cả Kinh Thánh. Ta thấy được điều đó trong việc chia đền tạm thành nơi thánh và nơi chí thánh. Của lễ phải dâng theo qui định (khi tội nhân muốn đến gần Đức Chúa Trời) cũng chỉ ra điều đó. Nó được nhấn mạnh qua việc có những người hầu việc thánh đặc biệt làm trung gian giữa Đức Chúa Trời với con người. Điều này được nhấn mạnh qua các luật lệ về sự thánh sạch trong sách Lê-vi ký. Ta thấy điều đó trong nhiều ngày lễ của dân Do Thái, trong tính biệt lập của Y-sơ-ra-ên ở Palestine. Sự thánh sạch của Đức Chúa Trời quyết định mọi nguyên tắc khác của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh nói rằng ngôi của Đức Chúa Trời đứng vững trên sự thánh sạch của Ngài. Sự thánh sạch của Đức Chúa Trời và sự không thánh sạch của con người gây nên hậu quả là cái hố sâu như vậy giữa Ngài với tội nhân chưa ăn năn. Kinh Thánh dạy rằng sự gian ác của chúng ta đã ngăn cách chúng ta với Đức Chúa Trời – đến nỗi mặt Ngài bị che khuất khỏi chúng ta và Ngài không nghe thấy tiếng ta kêu cầu.
Đức Chúa Trời quá thanh sạch để có thể nhìn điều ác một cách thân thiện. Ngài quá thánh để có thể có chút liên hệ nào với tội lỗi. Trước khi cái ác xâm nhập vào loài người, Đức Chúa Trời và con người từng giao tiếp với nhau. Giờ đây mối tương giao đó đã bị phá hủy, mọi liên hệ của người với Trời mất đi, chỉ trừ thông qua Jêsus Christ mà thôi. Chỉ qua Jêsus Christ con người mới có thể khôi phục mối dây liên lạc với Đức Chúa Trời một ngày nào đó.
Con người tự thân là kẻ phạm tội (tội nhân), con người bất lực trước việc thay đổi địa vị của mình, bất lực trước việc dùng cái lưỡi tội lỗi của mình mà kêu cho thấu đôi tai trong sạch của Đức Chúa Trời. Con người lẽ ra đã chết vĩnh cửu nếu Đức Chúa Trời với lòng thương xót vô hạn của Ngài không sai Con mình bắc chiếc cầu qua vực sâu kia.
Chính trong sự thánh sạch của Đức Chúa Trời ta tìm được nguyên nhân cái chết của Đấng Christ. Sự thánh sạch của Ngài đòi hỏi phải trừng phạt nặng nề vì tội lỗi, và tình yêu của Ngài đã quyết định là Jêsus Christ sẽ chuộc lỗi đó và như vậy mang lại cho loài người sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ lạy là một Đức Chúa Trời công bình, một Đức Chúa Trời thánh sạch, một Đức Chúa Trời công bằng, và Ngài gửi Con một của Ngài cho chúng ta, để mở đường cho ta đến với Ngài. Song nếu ta chẳng để ý tới sự cứu trợ của Ngài, nếu không tuân thủ các luật lệ Ngài đặt ra, ta không thể kêu xin Ngài thương xót, khi đó sự trừng phạt thích đáng sẽ đổ xuống đầu ta!
Thứ tư: Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Nhiều người không đọc Kinh Thánh không hiểu được câu “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (I Giăng 4:8), cũng như họ không hiểu nổi các mặt khác của bản thể Đức Chúa Trời.
Chúng ta không phải lúc nào cũng biết chắc mình định nói gì khi dùng hai chữ “tình yêu”. Đây là một trong những từ bị lạm dụng nhiều nhất trong ngôn ngữ của ta. Ta dùng hai chữ tình yêu để chỉ cả quan hệ thấp kém nhất lẫn cao thượng nhất của con người. Chúng ta nói là “yêu” du lịch; “yêu” bánh ngọt; “yêu” chiếc xe hơi mới, hay giấy dán tường trong phòng mình. Phải, ta cũng còn nói là “yêu” những người xung quanh, nhưng đa số chúng ta đều chỉ nói vậy thôi, chứ không coi lời đó ra nghĩa lý gì. Chẳng có gì lạ là ta không hiểu Kinh Thánh nói “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” nghĩa là gì.
Đừng lầm tưởng nếu Đức Chúa Trời đã là tình yêu thương thì mọi việc phải tốt đẹp hết, tuyệt vời hết, sung sướng hết, và sẽ không ai bị phạt vì tội lỗi mình. Sự thánh sạch của Đức Chúa Trời đòi hỏi mọi tội lỗi phải bị trừng phạt, nhưng tình yêu thương của Đức Chúa Trời thì tìm ra kế hoạch và đường lối để cứu tội nhân. Tình yêu của Đức Chúa Trời đã dẫn đến việc đóng đinh Jêsus, nhờ Jêsus mà con người được tha thứ và được tẩy sạch. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã sai Jêsus bước lên thập tự giá.
Đừng nghi ngờ tình yêu tối vĩ đại của Đức Chúa Trời, vì tình yêu ấy là bản chất bất biến của Đức Chúa Trời, cũng như sự thánh sạch của Ngài. Dù tội lỗi của bạn đen tối đến đâu, Đức Chúa Trời vẫn yêu thương bạn. Nếu không có tình yêu ấy, chẳng ai trong chúng ta có được hy vọng vào cuộc sống tương lai. Song, Đức Chúa Trời là tình yêu thương! Và tình yêu của Ngài đối với chúng ta là vĩnh cửu. “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).
Những lời hứa yêu thương và tha thứ của Đức Chúa Trời đủ hiện thực, đủ tích cực và đáng tin cậy để ngôn ngữ loài người có thể diễn đạt được. Nhưng không có lời mô tả nào cho ta thấy hết vẻ đẹp của đại dương, trừ phi bạn được thấy tận mắt. Với tình yêu của Đức Chúa Trời cũng y như vậy. Chừng nào bạn chưa thực sự tiếp nhận tình yêu đó, chưa thực sự nếm trải nó.

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]